Những năm đầu đi làm, ai cũng muốn tìm cho mình một công ty, một môi trường cho họ cơ hội được học hỏi, chỉ bảo nhiều. Rồi từ đó nhanh chóng nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, để lên vị trí cao hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng có điều, thứ mà nhiều bạn nhảy tới, nhảy lui để kiếm tìm có khi lại không nằm ở việc tìm công ty tốt, sếp giỏi, mà lại nằm ở chính trong tay bạn.

Trong bài viết này, mình sẽ nói về quan điểm và trải nghiệm của mình suốt quãng thời gian 8 năm đi làm. Trong đó 5 năm ở vị trí quản lý team marketing (digital) khoảng 4-5 bạn trẻ: giỏi / dở, chủ động / bị động, sáng tạo / cứng nhắc… đều có cả.

“Ở đây em chả học được gì cả!”

Trên đây là câu cửa miệng của một số bạn trẻ khi phàn nàn về công ty, giận dỗi, xin nghỉ việc. Suy nghĩ này mình không phản đối, nhưng cũng không đồng tình. Lúc mới đi làm, mình cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng càng về sau, trải qua nhiều công ty, môi trường, mình mới thấm được và thay đổi góc nhìn.

Trên thực tế, mục tiêu của một doanh nghiệp là kinh doanh, chứ không phải cái trường mà có nghĩa vụ phải dạy mình cái này cái kia. Do đó tất cả các hoạt động đều xoay quanh việc kiếm tiền, tối ưu chi phí. Và hoạt động đào tạo, phát triển con người cũng phải phục vụ cho các sứ mệnh trên (nếu nó được thực hiện).

Bạn có thể thấy tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi, phát triển sẽ giúp họ nâng cao tay nghề từ đó cải thiện hiệu quả công việc, tạo ra doanh thu lớn hơn. Cũng như giúp nhân viên cảm thấy hài lòng về phúc lợi, và giảm tỷ lệ nghỉ việc, tiết kiệm chi phí tuyển dụng hơn.

Trong một giai đoạn kinh doanh khó khăn, kinh tế chững lại như hiện nay, nếu ví một công ty như một gia đình, thì nếu cơm còn phải chạy ăn từng bữa, liệu bậc cha mẹ mấy ai ưu tiên cho con ăn học đàng hoàng. Thực tế phũ phàng hơn rằng, lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí còn chả quan tâm nhân viên như cha mẹ lo cho con cái mình.

Nhưng cũng không phải bạn sinh ra trong một gia cảnh khốn khó, cha mẹ không cho ăn học thì bạn bỏ nhà ra đi, hoặc chấp nhận sống trong một tương lai tăm tối. Vẫn có nhiều người (chắc bạn đã biết) đã tìm cách tự học để thành công, trong khi đó vẫn gắn bó với công ty (ít nhất là đến giai đoạn phù hợp). Chứ không phải là chưa gì, đã giãy lên, rồi khăn gói ra đi.

Vấn đề tư duy

Vậy sự khác nhau giữa bạn trẻ bên trên và mình là gì? Chỉ là cách tư duy khác nhau.

Một là trông chờ ai đó chỉ bảo, nói cho mình biết phải làm gì. Thường đòi hỏi sếp phải hướng dẫn, công ty cần có đào tạo định kỳ. Đôi khi kỳ vọng công việc phải luôn mới mẻ, thử thách, để có cơ hội học hỏi. Trong khi, giao việc mới thì yêu cầu công ty phải hướng dẫn, đào tạo.

Hai thì nhìn thấy cơ hội để học hỏi từ tất cả những con người, công việc được tiếp xúc. Luôn chủ động học hỏi, dù là công ty, hay những khóa học bên ngoài, hay những người bạn cùng ngành, hay những gì mới trên thị trường. Đôi khi, dành thời gian quan sát cách người khác đang làm, từ đó tìm hiểu để sao chép, ứng dụng hay cải thiện nó.

Đôi khi chúng ta có một trong hai, hoặc đồng thời tư duy theo hai cách trên. Tỉnh táo nhận ra mình đang ở đâu không phải điều dễ dàng.

working man

Học cái gì, ở đâu, như thế nào?

Quay lại trường hợp nếu chúng ta bị đặt vào một môi trường không được cung cấp nguồn lực để học hỏi, thì làm thế nào để thích nghi, nhưng vẫn phát triển bản thân tốt?

1. Tự học từ môi trường: Quan sát + Đặt câu hỏi + Tìm lời giải

Đôi khi áp lực doanh số, khối lượng công việc, nhịp độ, deadline… đẩy sếp, đồng nghiệp, mọi người trong công ty phải chạy tối mặt. Khi thời gian là thứ xa xỉ thì mấy ai chịu bỏ ra để chỉ bạn? Trong khi cuối tuần thì nếu lớn tuổi sẽ bận việc gia đình, trẻ trung thì có thể hẹn bạn đi cà phê này kia (mà đó là người ta thích bạn, bạn giá trị với họ).

Đôi khi, nếu mình đủ năng lượng, mình thường tận dụng thời gian ngoài giờ làm (sáng sớm hoặc tối muộn) để chỉ cho các bạn trẻ trong Team. Tuy nhiên, các bạn trẻ thường đi làm muộn, hoặc nếu kéo các bạn ở lại trễ thì các bạn cũng nghĩ rằng công ty đâu có trả OT.

Nếu bạn được đặt trong hoàn cảnh này thì tự học là cách tốt nhất. Bước đầu tiên là hãy chú ý quan sát cách các đồng nghiệp gạo cội, hoặc sếp của bạn đang làm mọi thứ. Sau đó cố gắng tò mò, tự đặt câu hỏi vì sao họ làm như vậy rồi đi tìm lời giải. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ, và đưa ra các phương án thực hiện công việc theo cách của bạn.

Bằng cách này, bạn sẽ phát triển được kỹ năng tự học, nâng cao khả năng xử lý vấn đề. Để sau này, khi được giao các nhiệm vụ mới, bạn sẽ không còn bỡ ngỡ nữa. Vì ít nhất bạn đã tìm hiểu tương đối về nó rồi. Đồng nghiệp và sếp cũng đánh giá cao, vì bạn giúp họ tiết kiệm kha khá thời gian chỉ bảo cho bạn. Tiếp theo, nếu có thời gian một chút, hãy trao đổi thêm với mọi người về các giải pháp mà bạn đã tìm hiểu. Nếu nó chưa tốt, bạn sẽ được một bài học. Nếu nó tốt, bạn đang đưa ra sáng kiến cho công ty.

2. Thiết lập kế hoạch học tập theo nhu cầu

Rất nhiều người “không biết cái họ không biết”. Nếu bạn rơi vào điểm mù này, sẽ rất khó để bạn học được gì, hoặc nhận ra mình cần học điều đó. Do vậy, bước đầu tiên, cần xác định được điểm mù của mình, và kỹ năng, kiến thức mình cần lấp đầy bằng 2 cách:

  • Hỏi ý kiến - đánh giá của sếp, leader, đồng nghiệp thâm niên về bạn, các kiến thức bạn muốn học
  • Tìm hiểu các năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần có trong lĩnh vực của bạn, và tự đánh giá khả năng của mình

Khi thực hiện bước này, hãy chú ý thật sự công tâm, khắt khe với bản thân và trở nên khiêm tốn hơn.

Tiếp theo đó, hãy đặt mục tiêu thật cụ thể cho việc học tập này và chọn ra thứ tự các kiến thức, khóa học bạn cần tham gia. Bạn có thể đặt các mục tiêu như: dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần để học, các nội dung bạn mong muốn đạt được sau khi học xong, cách đo lường hiệu quả của việc học, cách áp dụng các nội dung đã học vào công việc hoặc tiếp tục thực hành cho nhuần nhuyễn. Dù rằng một số mục tiêu sẽ khó khăn khi lượng hóa. Nhưng hãy cố gắng làm rõ nhất có thể để bạn dễ cam kết và có động lực thực hiện.

Một phần rất quan trọng khi tìm khóa học đó là chọn được “người thầy” chất lượng, hoặc nơi đào tạo uy tín. Hiện nay, các “chuyên gia rởm” hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, trong khi người giỏi thật thì bận đi làm tối mặt. Do vậy, hãy rất cẩn trọng trong việc chọn nơi học và người dạy. Nên tham khảo ý kiến của vài người bạn đã học để chắc chắn hơn. Đối với học marketing, mình đề xuất bạn nên chọn Brand Camp, với hơn 200 khóa học trực tuyến, do các giảng viên chuyên gia hàng đầu giảng dạy.

Cuối cùng, sau khi đã chọn được khóa học và “người thầy” ưng ý, hãy sắp xếp thời gian đi học và kỷ luật, cam kết với kế hoạch học tập đề ra bạn nhé.

3. Kết nối với bạn bè, những leader trong ngành

Ngoài việc môi trường nội tại không cho bạn được cái bạn cần, thì đôi khi, ngồi quá lâu tại một vị trí, một công ty, một ngành… khiến kiến thức chung của bạn bị thui chột, lạc hậu, hoặc trở nên thiên kiến hơn. Điều đó làm bạn kém hấp dẫn, hoặc có ít lựa chọn trong tương lai khi muốn chuyển việc. Do vậy, hãy luôn cập nhật và học hỏi thêm từ việc theo dõi bạn bè, leader, chuyên gia trong ngành trên mạng xã hội (LinkedIn hoặc Facebook). Sẽ có đôi chút peer-pressure, nhưng nó sẽ tốt cho bạn đấy.

Cách học hỏi khá hiệu quả tiếp theo đó là đi hội thảo. Đây là cơ hội tốt để cập nhật thông tin, có thêm góc nhìn mới mẻ, mở rộng quan điểm, từ đó thấu đáo hơn về lĩnh vực bạn muốn tìm hiểu. Làm sao để đi hội thảo hiệu quả, bạn sẽ cần xem 2 bài viết này:

Đối với người hướng nội (như mình), nhìn chung, mình cũng ngại đi hội thảo, networking các thứ. Nhưng mình đặc biệt thích đi cà phê trò chuyện sâu. Mỗi tháng, mình sẽ cố gắng sắp xếp 1 buổi hẹn cà phê với 1 người bạn, anh, chị trong ngành để “tám chuyện”. Nội dung chính thường sẽ là cập nhật về cuộc sống - công việc của nhau, chia sẻ về xu hướng - câu chuyện, (hóng drama), quan trọng nhất là các vấn đề mình gặp phải trong công việc. Mình cũng tranh thủ xin thêm lời khuyên nếu phù hợp.

4. Thực hành qua các dự án cá nhân

Nếu trong môi trường làm việc hiện tại, bạn chưa có cơ hội để áp dụng kiến thức đã học, hoặc thực hành thử các kiến thức mới, thì hãy tự mình tạo ra môi trường để rèn luyện, bằng cách xây dựng các dự án cá nhân.

Ví dụ, mình đã thử mở fanpage, code một website cá nhân, chạy quảng cáo Facebook và Google, lập kênh TikTok khi các nền tảng này mới xuất hiện… Mình chủ động tìm hiểu hết, phần vì tính tò mò, phần vì đam mê lĩnh vực này. Một thời gian sau, khi công ty mình làm có các dự án mới cần các chuyên môn này, mình đã có thể tự tin hướng dẫn cho cả Team và nhận được đánh giá cao của sếp và đồng nghiệp. Đôi khi các dự án mình tự làm như kênh TikTok, đã thành công ngoài mong đợi và trở thành một kênh truyền thông hiệu quả cho business riêng của vợ chồng mình.

Ngoài ra, các dự án cá nhân cũng là điều mà nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao ở mình qua mỗi lần mình chuyển việc. Bản thân mình cũng thường nhìn vào portfolio, các dự án cá nhân của các bạn trẻ khi tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho công ty.

working man

Môi trường nào sẽ học được nhiều?

Trong phần đầu bài viết đến giờ, mình đã nói rất nhiều về việc tự học khi bạn bị đặt trong môi trường không khuyến khích bạn học hỏi. Như vậy, nếu bạn được chọn lại, hoặc bạn đang tìm bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp của mình, vậy đâu là các tiêu chí để “đãi cát tìm vàng” đây? Phần này mình sẽ phân tích tiếp.

1. Chú trọng vào Giải pháp, tự do tranh luận, đóng góp xây dựng

Nói đến đây chắc bạn cũng biết, nhưng để mình đưa ra một ví dụ để rõ ràng hơn. Trong một số công ty “fast-paced”, mọi thứ đều bị đẩy rất nhanh, khẩn cấp, mọi người bị áp lực phải đưa ra quyết định trong thời gian ngắn. Do vậy, khi bạn đề xuất giải pháp lên, các sếp và những đồng nghiệp kinh nghiệm dày dạn sẽ hạn chế chỉ ra các vấn đề để bạn cải thiện. Cũng như mọi người không có thời gian cùng ngồi tranh luận, phân tích để cải thiện các giải pháp được đưa ra. Thậm chí, sẽ buồn hơn nếu họ dùng kinh nghiệm để áp đặt và chọn luôn một giải pháp mà không thèm giải thích cho bạn tại sao.

Là một quản lý cấp trung, mình cũng đã từng trong vai một newbie nhiệt huyết đóng góp ý tưởng, và trong vai một người quản lý áp đặt kinh nghiệm. Những khi như vậy, mình ý thức được mình đang trở nên xấu xí khi để guồng việc đẩy mình đi quá xa so với mong muốn tốt đẹp của mình.

Hãy nhớ rằng một môi trường tốt sẽ tạo điều kiện để bạn được bày tỏ sáng kiến, đóng góp xây dựng và cho bạn thời gian để cải thiện, hoặc có vùi dập ý tưởng của bạn đi chăng nữa nhưng vẫn soi đường để bạn thoát khỏi bóng tối. Mình gọi đó là khoảnh khắc được khai sáng khi đi làm.

2. Cho phép bạn được sai

Mình từng gặp một vài bạn trẻ làm gì cũng sợ sai, cũng không dám làm. Dẫn đến một tình trạng: các bạn ấy làm gì cũng đòi mình phải coi qua, trong khi, đó không phải là thứ một người quản lý muốn ở một bạn cấp dưới. Khi giao công việc cho các bạn, mình muốn các bạn chủ động giải quyết với sự giám sát tối thiểu của mình, giúp mình tiết kiệm thời gian hơn. Chứ không phải là làm gì cũng đưa mình xem, sau đó nếu mình bận quá không coi được, công việc trễ nải thì quay lại đổ lỗi do mình không sửa, không feedback.

Trong ví dụ này, mình bỏ qua vấn đề năng lực và chỉ xét về vấn đề sợ sai, nếu cái gì bạn cũng không dám làm thì sẽ mãi ở trong vòng lặp vô hạn đó và không bao giờ cải thiện được. Cần nhớ rằng thất bại là mẹ thành công. Rất nhiều trường hợp đi học, đọc sách, được chỉ dẫn… lại không nhớ đời như tự mình làm rồi sai.

Đối với môi trường doanh nghiệp, người sếp hoặc quản lý cần đưa ra các chính sách để bảo vệ nhân viên trong các trường hợp họ phạm phải các lỗi sai với mong muốn tốt, thật lòng họ không muốn làm vậy. Điều đó sẽ khích lệ các nhân viên sáng tạo, cho họ tự do và nhiệt huyết để thực hiện công việc theo nhiều cách hiệu quả, cho kết quả tốt hơn.

Còn mình, mình thường khuyên các bạn nhỏ rằng “đừng sợ sai nữa, cứ mạnh dạn làm đi, sai thì anh gánh cho, còn trong vòng kiểm soát của anh”. Sai lầm giúp ta trưởng thành hơn, chú ý là đừng phạm phải cùng 1 sai lầm quá 3 lần!

3. Có thời gian để học hỏi và phát triển

Thời gian học ở đây ý mình không phải cứ công ty có các buổi training là được đâu. Mình từng gặp rồi, công ty tổ chức các buổi đào tạo và yêu cầu nhân viên phải làm bài tập, chấm điểm các thứ, trong khi các nội dung đào tạo không gắn được với công việc hàng ngày, workload của nhân viên đang rất nhiều. Từ đó, chuyện training trở thành ám ảnh đối với mọi người chứ không còn mang đúng ý chí tốt đẹp ban đầu nữa.

Theo quan điểm của mình, “có thời gian” ở đây có nghĩa là:

  • Workload vừa phải, các deadline, thời gian dự án đặt ra hợp lý, mọi người có đủ thời gian để nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh.
  • Team có thời gian cố định để cùng chia sẻ, trao đổi, training lẫn nhau về các chủ đề liên quan đến công việc, dự án đang chạy.
  • Nhân viên có thời gian yên tĩnh ngoài giờ làm việc để họ tự do tham gia các chương trình đào tạo mà họ mong muốn.
  • Sẽ là một điểm cộng nếu công ty có các buổi training, coaching được cung cấp bởi các chuyên gia bên ngoài, nhưng cần bổ trợ được cho công việc, giúp nhân sự giải quyết các vấn đề của họ tốt hơn, không nên gây thêm gánh nặng cho nhân sự.

Kết - Sự đánh đổi

Lý do mình nói “đãi cát tìm vàng” ở phần giữa bài về các môi trường tốt, là vì những doanh nghiệp dạng này rất ít, hoặc trả lương kém hấp dẫn… Hoặc đừng nghĩ rằng các công ty giáo dục thì môi trường sẽ “giáo dục”. Hãy thử lên Review Công ty mà xem, không ít công ty giáo dục nhưng môi trường lại rất độc hại, cả mình và vợ mình đều từng trải qua rồi.

Trong mỗi giai đoạn cuộc đời, mỗi người có những mục tiêu riêng, nếu bạn đang tìm kiếm bến đỗ để phát triển nội lực, kiến thức nền tảng cho mình, bạn chắc chắn cần trả giá. Cái giá đó có thể sẽ là:

  • Thu nhập không cao như thị trường
  • Guồng công việc chậm, đôi khi khiến bạn chán
  • Các sếp, đồng nghiệp lớn tuổi (nhưng gừng càng già càng cay nhé)
  • Một số vị trí ít có cơ hội phát triển dài hạn (5 năm) dù trong ngắn hạn (2 năm) học hỏi được rất nhiều
  • và một số cái giá khác bạn sẽ dần cảm nhận được

Hãy nhớ rằng, để đạt được điều gì đều cần đánh đổi một điều gì đó của bạn. Vì bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn, nên hãy giữ vững những ý chí tích cực mà vươn lên nhé.

Chúc các bạn thành công.

17, Tháng 07, 2023 Work Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...