Mình nhấp vào một khảo sát trên VNE về gia hạn thời gian “giãn cách xã hội”. Để rồi chợt nhận ra mình nằm trong 21% số ít không đồng tình. Điều ấy nghĩa là gì thì mình luôn chắn chắn. Nhưng sẽ không ít người sẵn sàng lên án nếu ai đó công khai sự phản đối của họ về gia hạn GCXH giữa thời gian nhạy cảm này.
Mình không phải quá lạc quan, nhưng ngay từ đầu, điều khiến mình lo lắng không phải là bản thân mình, mà là những người yếu thế ngoài kia.
Sẽ rất dễ để ta gật đầu nếu ta may mắn có những điều kiện tốt, công việc, thu nhập ổn định, có khoảng tiết kiệm, có BHXH, có chỗ ở thoải mái... Nhưng ngược lại thì sao?
Mình có một cái tính đó là hay nghĩ về quê mình, dù cho có những thứ mình không thích ở quê đi chăng nữa. Nhưng trong những tình huống như vầy, mình thường hay tự hỏi ngay: Vậy bà con mình ở quê thì sao nhỉ? Họ vốn đã nghèo khó, rơi vào thế này thì họ sẽ ra sao? Mình không biết, mình hỏi mẹ mình, một cô giáo ở quê, câu chuyện sẽ trông giống thế này:
Câu chuyện #1
Một phụ huynh đến nhà hỏi mẹ mình, cô ơi, giờ tôi phải mua máy tính gì cho con học online? Nghe thế mình vội la lên, trời, ở quê nghèo vậy tiền đâu ra mà mua máy tính cho con học. Trời, ở quê không có máy cũ cũ mua học đỡ hả, tự nhiên mua cái máy mười triệu bạc đắt quá!
Cô bé học sinh ngây ngô chắc chắn chưa hiểu nỗi vất vả của bố mẹ. Bố mẹ thương con không muốn con bị thiệt thòi thiếu học.
Câu chuyện #2
Lâu quá sao không thấy em A lên học online với các bạn nhỉ, em thiếu nhiều bài kiểm tra quá, giọng giáo viên chủ nhiệm vang lên. Bên kia đầu dây, hả có học online hả cô, giờ học làm sao đây? Thằng bé hay chuyện thì lăn ra khóc om sòm cả nhà.
Chị nó chở đến nhà cô, nhờ cô chỉ cho học, chỉ cho làm bài tập online. Đây, em về nhà làm đi. Tốt, cho mười điểm. Cố gắng học nghe chưa.
Câu chuyện #3
Một ông bố chở đứa con lên trường trên một chiếc xe đạp cũ. Cô ơi, mã số học sinh của cháu là gì để cháu vô học online, bạn bè cháu học được cả tháng rồi mà cháu vẫn không vào học được. Ơ, đâu cần mã số gì đâu anh ơi, chỉ cần vào liên kết phòng học, rồi đặt tài khoản đúng tên học sinh là giáo viên cho vào học thôi!
Những chuyện này làm mình đau lòng lắm. Dễ là để phán xét và lên án ai đó. Nhưng khó là đặt bản thân mình vào sự yếu thế và thấu hiểu cho nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau.
Chúc các em học sinh chăm ngoan. Cố lên mà học, có cái chữ, sau này cuộc sống các em sẽ tốt đẹp hơn, để gia đình em đừng rơi vào cảnh cùng cực yếu thế, giữa xã hội này.
Các ví dụ trên của mình chỉ đơn thuần trên lĩnh vực giáo dục, trên thực tế, còn rất nhiều câu chuyện khác, ở các lĩnh vực khác mà mình chưa nghe, mình chưa đọc. Sau khi đăng bài này trên Facebook, mình có thấy VNE đăng bài góc nhìn "Giãn cách giàu nghèo", mình đọc thấy đồng cảm ghê gớm. Bạn có thể xem tiếp tại 2 bài này:
Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...