2 ngày 1 đêm, 40km trekking, mưa trên đầu, balo 15kg trên vai, lạc đường, mất sóng định vị GPS, mất dấu cả đoàn, hết nước và lương thực… giữa chốn rừng thiêng nước độc. Rồi cuối cùng đoàn mình cũng may mắn sống sót trở về, nhưng bỏ lại phần tuổi trẻ khó mà quên được.

Vừa trở về từ chuyến đi với công ty, giữa núi rừng Đà Lạt, mình lại chợt nhớ về Tà Năng năm ấy. Cũng rừng thông reo, đồi cỏ xanh ngát, nhưng tráng lệ, hùng vĩ và mê hồn người. Bảo sao nhiều kẻ si mê, dù nằm xuống nhưng vẫn muốn một lần đặt chân đến đây.

Tà Năng - Phan Dũng
Tà Năng - Phan Dũng, cung trekking đẹp nhất Việt Nam. Hình Vĩnh chụp bằng máy Canon.

Sau chuyến đi ấy, nhiều bạn cũng hỏi mình review, hướng dẫn này nọ, mình cũng hứa hẹn viết bài đủ kiểu… nhưng rồi lười quá thành ra đến giờ mới lôi ra viết lại. Ngắn gọn mà nói thì Tà Năng - Phan Dũng là một cung trekking rất đáng đi. Tuy nhiên hãy đảm bảo bạn đủ điều kiện sức khỏe, thể chất và chấp hành nghiêm túc các chỉ dẫn an toàn. Đây không hẳn là du lịch khám phá, mà còn là một thử thách sinh tồn thực sự. Những năm gần đây, đều có người vĩnh viễn không thể trở về. Hãy nhớ kỹ điều này.

Kẻ cầm đầu liều lĩnh

Mình chính là cái đứa đầu têu cho cả phi vụ này. Trong suốt hành trình nhiều lúc mình đã tự trách bản thân ghê gớm, tự nhiên lôi thêm 10 mạng lên chỗ khỉ ho cò gáy này làm gì, trong khi mạng mình còn chưa lo xong.

Thời điểm đấy mình đang không hài lòng lắm với công việc, và muốn đi đâu đấy để suy nghĩ về quyết định quan trọng sắp tới, cũng như bớt ngứa chân. Và sau một hồi tìm kiếm thì mình quyết định đi TNPD. Mình còn định đi một mình nếu không tìm được bạn đồng hành.

Nhiều anh chị sau đó cũng ngăn cản, cảnh báo quá nguy hiểm để đi lẻ. Nên mình mới lân la rủ đám bạn thân trong team BIT và team nhậu trước, một vài đứa thì đang ở quê, hoặc quá bận. Có đứa khá ok, nhưng lại yếu quá, nên sợ theo không nổi, giữa đường bị mình đạp xuống vách núi. Cơ bản mà nói, đám bạn mình chắc có mình máu điên nhất, còn lại cứ như hội bô lão, lười nhác, nghe làm gì mạo hiểm tí là cụp đuôi trốn hết. Chỉ có rủ nhậu là nhanh!

Thua keo này, đành bày keo khác. Mình mới qua rủ Vĩnh, bạn thân phòng Ký túc xá, ăn ngủ chung hồi xưa. Vĩnh mới đạp xe xuyên Việt về nên cũng sung, nghe cái là nhận kèo ngay. Thế là được 2 thành viên chủ chốt cho đoàn. Ban đầu tụi mình tính chắc rủ thêm được 5 người thôi, không ngờ cuối cùng đoàn tận 11 người, già trẻ gái trai bánh bèo… Hầu hết mọi người đều có kinh nghiệm leo núi, tuy vậy, TNPD khác lắm, nó cần độ bền nhiều hơn. Do nhận kèo khá trễ, nên ngoại trừ mình và Vĩnh, thì team vẫn chưa thực sự đủ điều kiện sức khỏe. Nên đi đến thống nhất là Vĩnh sẽ chốt đoàn, làm hậu cần, Minh lên lộ trình và đi trước mở đường.


Với sự dẫn đường của Minh và Vĩnh, tracklog, offline map, GPS cùi mía, team mình đã đạt được vài thành tích để đời như lạc đường chỗ ngã ba đi Phan Dũng hay bị xé team ở bìa rừng. Kể ra vẫn còn sợ, mà được cái ai cũng vui và an toàn.

Sau này, đã có người hỏi mình rằng, em thấy thế nào về việc em đặt cả team 11 người vào một tình huống nguy hiểm đến như vậy?

Mình không nhớ rõ đã trả lời sao, nhưng cảm giác của mình đến hiện tại về quyết định này vẫn là mình đã hoàn toàn sai, chủ quan cũng như tự tin thái quá. Mặc dù, khi tham gia, mọi người đều cam kết và ý thức về các diễn biến xấu nhất. Nhưng với vai trò là người khởi xướng, đưa ra kế hoạch, mình vẫn nhận một phần rất lớn trách nhiệm nếu có bất cứ tình huống không mong muốn nào xảy ra.

Đó là lý do vì sao mà nhiều lần ở các phần sau của bài viết này, mình đã thực sự hối hận. Phước đức ông bà để lại, chuyến này đoàn mình đã may mắn, về nhà trong vui mừng khôn xiết.

Dốc cao, vực thẳm

Sau quãng đường bằng phẳng trong buổi sáng đầu tiên, là những con dốc mà người đời thường gọi vui là “dốc chó đẻ”. Chắc phải có đến khoảng 10 con dốc như thế. Dốc một chiều lên cao dần. Có những đoạn team mình phải dừng lại nghỉ chân giữa dốc, hay một người leo trước sau đó căng dây thả xuống để team đu lên.

Một con dốc vừa cao vừa lầy lội.
Một con dốc vừa cao vừa lầy lội.

Sau vai mang balo 15kg, mà leo ngược dốc, cảm giác leo thôi đã mệt, còn phải đèo bòng cái balo. Đôi khi mệt quá đeo lại lên đằng trước, lỡ té úp thì không bị balo đè, nhưng phải căng lưng lên để không bị balo kéo ngã sấp mặt. Đây là lúc các đai trợ lực của balo phát huy tác dụng. Bạn nào mang balo bình thường sẽ cực kỳ đau vai, nhưng có trợ lực thì đỡ lắm.

Nếu lên dốc sẽ mệt hơn, thì xuống dốc lại nguy hiểm hơn. Sẩy chân một bước là đi ngay. Vài đoạn mình điên quá, quăng cái balo cho nó lăn xuống rồi mình theo sau. 2 tay vịn cây với cỏ cao 2 bên đường rồi thả người từ từ xuống. Khi chân đã chắc chắn yên vị rồi mới xuống người theo. Những đoạn này may mà có gậy tre để chống và đu, không là cũng đuối lắm.

Có cô bé kia, suốt quãng đường toàn bị té dập mông, do trượt chân và bị balo kéo về phía sau.

Cùng với những con dốc là vách núi với vực thẳm một bên. Lối đi lại siêu hẹp và trơn trượt. Có những lúc vài thành viên trong đoàn nổi nóng, không chịu đi nữa. Nhưng phải làm sao giờ? Đã vào giữa chốn này, bạn không có đường lùi rồi, phải kiên định, vững tâm mà bước tiếp thôi. Tất cả chỉ còn là sức mạnh của niềm tin và ý chí.

Mưa, lũ quét

Sao không đi mùa nắng cho khoẻ? Rất nhiều người hỏi tụi mình như vậy. Tụi mình cũng chẳng ai muốn lên Tà Năng mùa mưa đâu. Nhưng mà TNPD chỉ đẹp nhất vào mùa mưa, với những sườn núi phủ cỏ xanh ngắt, hay những lối xuyên đồng cỏ cao đến đầu. Còn mùa nắng, tất cả đều nhuốm màu vàng úa, cháy sém.

Kết hợp với địa hình vùng núi, mỗi khi mưa xuống dễ xảy ra lũ quét, nước lên rất bất ngờ. Vào năm 2017, đã có một bạn bị lũ cuốn mất khi lội qua suối. Ngoài lũ quét, sau khi mưa sương mù sẽ lên rất nhanh khiến tầm nhìn hạn chế và không thể di chuyển tiếp.

Mưa đã ngớt, nhưng sương mù giăng đầy cung đường.
Mưa đã ngớt, nhưng sương mù giăng đầy cung đường.

Khi ngồi ăn phở dưới chân núi, anh chủ quán cũng đã cảnh báo tụi mình, kể cả dân đi rừng như anh cũng từng kẹt lũ trong rừng cả tuần. Đoàn mình nghe kể mà nuốt không trôi tô phở. Thầm nghĩ chắc ảnh trừ mình ra. May mắn thay những đoạn gặp mưa lớn team mình đều đang ở chỗ cao, thoáng. Những đoạn băng qua suối tụi mình chăng dây thừng lên đu qua cho an toàn.

Chỉ buồn một điều là dính mưa nhiều quá nên không có nhiều hình sống ảo. Tuy vậy, trải nghiệm trekking nhiều giờ liền dưới mưa là thứ không phải ai cũng có được.

Lạc đường, hạ trại

Có thể nói rằng 99% đoàn nào tự đi lần đầu, không có người hướng dẫn đều bị lạc. Rừng TNPD vô cùng nhiều đường mòn, của thợ gỗ, lâm tặc đi rừng. Chỉ cần một chút lơ ngơ, bạn có thể mất phương hướng ngay. Hoặc có thể quay lại đường cũ, nhưng cũng tốn không ít thời gian.

Trước đoàn mình có một đoàn bị lạc gần 2 tuần trong rừng, hết lương thực và nước dự trữ đến nỗi phải uống nước suối, ăn trái rừng qua ngày. Đoàn anh Hoàng đi đợt 2/9 rất đông team tham gia nhưng cũng lạc gần 2 tiếng, phải dùng dao để mở lối và bị ong rượt chạy mệt nghỉ. Một đoàn khác bạn mình đi sau, vào mùa nắng cũng bị lạc, may sao gặp… lâm tặc chỉ đường cho ra ngoài.

Team mình thì bị lạc chỗ ngã ba rẽ đi Phan Dũng. Tất cả là do mình, dẫn đường hơi ngu.

Độ chính xác của GPS là trong bán kính 5m, tức trong vòng 10m thì khó thấy khác biệt nhiều. Đoạn ngã ba này rẽ ra 2 hướng nhưng không cách xa nhau quá. Vì vậy mình đi lụi vào hướng lên đỉnh đồi với kỳ vọng sẽ gặp lại hướng kia dưới chân đồi. Không ngờ càng đi càng xa nhau quá rõ trên map.

Lúc đó là 4:30PM, team hơi đuối khi phải đi một đoạn rất dài dưới mưa, nhóm khác phía sau đã hạ trại, nhóm mình lại tiếp tục đi vào hướng không xác định. Mình cũng động viên mọi người cố đi tiếp, nhưng đến con dốc xuống đường mòn quá nhỏ, độ dốc cao, trơn và khó xuống. Mọi người hầu như đều muốn bỏ cuộc.

Đỉnh đồi nơi tụi mình cắm trại. Mọi người đang túa ra đi tìm củi.
Đỉnh đồi nơi tụi mình cắm trại. Mọi người đang túa ra đi tìm củi.

Cuối cùng cả team thống nhất quay lại hạ trại trên đỉnh đồi chờ trời sáng rồi quay lại đường cũ. Thế là 2 căn lều được dựng lên giữa đồng không mông quạnh. Mọi người tỏa ra đi vệ sinh, tìm củi nhóm lửa, nấu bữa tối. Xa xa ở ngọn đồi phía sau cũng là 2 căn lều màu xanh chói lóa của nhóm khác.

Căn lều cô độc trên đỉnh đồi

Trời mưa, củi ướt, quá lạnh, lửa không làm nóng nổi nước. Cả nhóm loay hoay lắm mới nấu được mấy ly mì. Rồi ngồi vòng tròn trong căn lều ca hát, nói đủ thứ chuyện. Thêm chai rượu chuyền tay nhau mỗi người một ngụm. Giữa chốn hiu quạnh này, tụi mình như những đứa trẻ nheo nhóc, không biết ngày mai, khi nắng lên, thử thách nào sẽ còn ập tới. Hay đêm nay sẽ kéo dài đến vô tận?

Các thanh niên thành phố cuối cùng cũng dựng xong 2 chiếc lều xinh xinh.
Các thanh niên thành phố cuối cùng cũng dựng xong 2 chiếc lều xinh xinh.

Đến khuya, ngoài trời bắt đầu mưa lớn, gió thổi mạnh dần. Căn lều cô độc trên đỉnh đồi của tụi mình rung lên bần bật. Balo và đồ nặng được tỏa ra bốn góc để chần xuống. Nằm trong lều, tụi mình ngửa lên tự hỏi có khi nào gió sẽ cuốn cả căn lều nhỏ bé cùng đám điên này đi không? Đó đúng là một đêm đầy ám ảnh, nhưng mệt quá nên tụi mình cũng nhanh chóng ngủ say.

Trời về sáng, mưa đã dứt để lại cái lạnh như cắt vào xương. Vài bạn phải lấy áo mưa nilon quấn khắp người. 5AM mặt trời lên đẹp lắm, nhưng nhào ra khỏi lều mình run như cầy sấy, 2 hàm răng va vào nhau, không nói nổi lời nào. Tuy vậy cũng cố gắng gọi mọi người dậy nhóm lửa, ăn sáng, chụp hình. Tụi mình còn thổi cả chùm bong bóng lên rồi tạo hình đủ thứ concept cho đến nửa buổi mới bắt đầu nhổ trại, dọn dẹp rồi đi tiếp.

Ánh mặt trời sáng sớm, giữa trời sương lạnh ngắt.
Ánh mặt trời sáng sớm, giữa màn sương lạnh ngắt.

Thấm mệt

30 phút quay lại đường cũ, và rẽ sang hướng đúng. Tụi mình cứ thế đi tiếp trên những sườn đồi đầy nắng, tiếng chim hót, tiếng gió rít vào kẽ lá thông. Tuy nhiên, không còn sung sức như ngày đầu nữa rồi. Sau một đêm bão bùng, mọi người đều thấm mệt và di chuyển chậm lại chỉ còn tầm 3 km/h. Nếu cứ diễn biến này thì sớm muộn tụi mình cũng phải hạ trại trong rừng Phan Dũng. Nhưng đó là cái kết mà không ai mong muốn, vì rừng Phan Dũng rậm rạp và nguy hiểm hơn bên Tà Năng nhiều. Cũng như lịch trình sẽ chậm lại 1 ngày trong chốn rừng sâu này. Tụi mình trong rừng càng lâu, sẽ càng mệt và kém an toàn.

Rừng Phan Dũng cực kỳ rậm rạp và có thú rừng nguy hiểm.

Vĩnh và mình bắt đầu giục mọi người đi nhanh lên. Mình luôn miệng bảo gần tới Suối Lớn rồi, mọi người cố gắng lên, đi nhanh lên. Đến nỗi sau này về, ai cũng cười thằng Minh lúc nào cũng bảo gần tới, mà đi thấy mẹ. Sau khi dừng lại nghỉ ngơi và rửa ráy tại suối, tụi mình tiếp tục đi. Nhưng hành trình về cuối có vẻ thử thách hơn, khi trời mưa trở lại, tối sầm, giữa rừng rậm rạp, GPS của mình đã tắt lịm. Mình chỉ còn dựa vào vết bánh xe của anh thợ rừng chạy trước. Nhưng càng đi, vết bánh xe mờ dần do mưa rửa trôi.

Team đi càng chậm, chưa kể còn dừng lại chụp hình vài đoạn. Vĩnh đã không đủ kiên nhẫn chốt đoàn và chạy lên mở lối trước để giục, kéo mọi người chạy theo sau. Và đó cũng là khởi đầu cho việc lạc nhau, xé team và mất dấu.

Tắt nắng, lạc nhau có đến muôn đời?

Vĩnh đi trước cùng 2 bạn, mang theo bình nước 5L, nhưng lại thiếu thức ăn. Nhóm đi sau đông hơn, đầy đủ thức ăn, nhưng lại thiếu nước. Minh thì kẹt giữa 2 nhóm không biết phải làm sao. Đi thêm khoảng 1km, mình đã không còn nhận được tín hiệu từ nhóm đi sau, và bắt đầu lo lắng về số phận của nhóm này. Thể lực yếu, thiếu nước, đi chậm, nhiều con gái và bánh bèo.

Tuy nhiên, sau khi suy xét thì mình quyết định băng lên trước bám theo Vĩnh. Phần vì vẫn nhận được tín hiệu từ Vĩnh, tức vẫn còn hi vọng, phần vì nhóm Vĩnh ít thành viên quá, lại thiếu thức ăn, mình có một ít có thể hỗ trợ được tốt. Phải mất một đoạn dài mình mới bắt kịp, vì nhóm Vĩnh đi quá nhanh. Trên đường đi, tụi mình chặt cây và rải đồ ăn để đánh dấu cho nhóm đi sau. Với hi vọng họ sẽ nhanh chóng bắt kịp. Tình huống xấu nhất là cả nhóm đi sau bị lạc hoàn toàn, nên bằng mọi giá tụi mình phải ra ngoài càng nhanh càng tốt để tìm sự trợ giúp từ bên ngoài.

Đôi lúc mình chợt nghĩ, giữa chốn rừng rậm thế này, dù có sự trợ giúp của dân bản đi nữa thì mất bao lâu mới tìm được người? Hay làm ầm lên, báo chí vào cuộc, chính quyền sờ gáy thì tụi mình sẽ ra sao? Số phận của cung đường này sẽ về đâu? Liệu cư dân mạng có chửi rủa tụi mình? Nhưng đấy là mình nghĩ thôi, chứ mình không dám hé răng, phần vì mọi người cũng đang rất hoảng và lo cho team đi sau. Nên đành nhìn nhau mà cắm đầu đi tiếp.

Òa khóc giữa bản làng

Giữa lúc đang bối rối ở bìa rừng, may sao Linh phát hiện cái iPhone 5S vẫn bắt sóng GPS bình thường. Lúc này mình mới thấy giá trị của Apple so với Sony nhà mình. Vớ được vàng, lập tức tụi mình bám theo và túa ra khỏi rừng chỉ trong khoảng nửa tiếng sau đó. Ra ngoài bắt đầu có sóng di động trở lại. Tuy nhiên vẫn còn cách bản làng khoảng 4km đi đường nữa. Tụi mình rảo bước đi nhanh qua vài căn chòi, đã nghe tiếng chó sủa và âm thanh loài người.

Gần 7PM, khi tụi mình vừa băng qua khe suối nhỏ đến đầu bản. Tiếng chuông điện thoại chợt vang lên. Là nhóm đi sau, vừa ra đến bìa rừng.

Lúc này, khó có lời nào có thể diễn tả được cảm giác vui mừng của tụi mình. Bao nhiêu gánh nặng, dằn vặt, lo lắng trong lòng đã tan biến. Với dấu đường được để lại, cùng sóng GPS từ iPhone giống như tụi mình, team đó cũng bám theo sau mà ra được. May mà lúc đầu mình bắt tất cả phải cùng tải tracklog và offline map về.

Tuy vậy, mọi người cũng mệt lả và không thể đi tiếp. Nhóm trong bản tụi mình mới nhờ 2 anh chạy xe máy ra, hốt cả đám này về. Tụi mình gặp nhau, ôm nhau khóc trong sung sướng. Quả là một cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc mà nhỏ giờ mình mới được trải qua.

Cổ Thạch - bãi đá 7 màu

Ngay đêm hôm đó, đoàn mình gọi Taxi từ Bình Thuận lên chở về Cổ Thạch nhậu một trận hoành tráng. 9PM, quá khuya so với một miền quê núi. Gọi mãi mới được 1 xe. Bác tài rủ thêm 1 người bạn nữa cho đủ 2 xe. Trên xe trở về, tụi mình nói chuyện rôm rả, kể chuyện người đi trước, người theo sau, và cả chuyện ma cỏ nữa. Dọa bác tài một phen hú hồn.

Sáng dậy, toàn thân nhức mỏi, nhưng cũng không thể cản được tụi mình ra bãi đá 7 màu nổi tiếng và nhiều địa danh nữa ở Cổ Thạch để chụp hình sống ảo.

Bãi đá 7 màu ở Cổ Thạch lên hình lung linh vào ảo diệu.
Bãi đá 7 màu ở Cổ Thạch lên hình lung linh vào ảo diệu.

Hết

Hành trình đến đây là hết. Sau này, team mình vẫn thường gặp nhau để ôn lại kỷ niệm xưa. Một số thành viên có tham gia trekking cung khác như Bidoup, mình thì có thêm Phi Liêng. Tuy nhiên, ký ức về Tà Năng - Phan Dũng có lẽ vẫn là những thứ đẹp đẽ và khó quên nhất.

Lê Tịnh Minh
Kỷ niệm bên sườn đồi sống ảo huyền thoại.

Hầu như chẳng có chuyến đi nào của tụi mình là suôn sẻ, kiểu gì cũng gặp một vài trở ngại nhất định. Năm sau đó, tụi mình lại gom nhóm làm một chuyến Vietnam - Cambodia bằng xe máy. Đi qua Phnom Penh, lên tận Angkor Wat ở Siem Reap. Chuyến đi đã rất vui cho đến khi quay về, Vĩnh bị “cá vàng xứ chùa” túm đầu và trấn lột hết toàn bộ số tiền cả đoàn để chuộc xe. Thế nhưng chưa hết, lúc chỉ còn cách biên giới Việt Nam 60km, xe Vĩnh lại thủng lốp, trong người không một cắc bạc, dắt mãi mới có tiệm sửa xe, nhưng anh sửa xe chỉ nói được tiếng bản địa và cũng không nhận vá xe dùm tụi mình.

25, Tháng 10, 2018 Travel Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...