Bà cô, ông bác mình cất tiếng: “Đi làm lương bao nhiêu?”, “Khi nào lấy vợ?”, hay thậm chí “Mày chờ tao chết rồi mới chịu dẫn vợ về ra mắt à?”. Nhớ khi xưa nhiều lần mình cũng khó chịu ra mặt và cạnh khóe lại cho bõ ghét. Mẹ lại bảo mình, người nhà quê mà, không khéo ăn nói, lại cả năm mới gặp mày, biết nói gì ngoài những chuyện ấy đâu.

Tết con chuột vừa rồi, không hiểu sao các nhãn hàng tranh nhau làm chiến dịch về chủ đề những câu hỏi kém duyên. Ý kiến cá nhân, mình chả thấy thú vị hay đồng cảm gì cả. Không phải mình không khó chịu trước vấn đề này, mà là vì, nhiều năm trôi qua, mình đã hiểu và bao dung hơn với những người nhà quê kém duyên ấy.

Họ, những người cục mịch, suốt đời chỉ loanh quoanh trong mấy sào ruộng, trong cái thôn nhỏ, không được học nhiều, không có điều kiện giao thiệp xã hội và tiếp cận thay đổi… Vậy ta kỳ vọng gì ở họ, họ phải giống như chúng ta, thế hệ trẻ, có được những điều kiện phát triển vô cùng thuận lợi?

Vậy có thay đổi họ được không? Nghĩ sao vậy, họ sống cả đời với lối tư duy ấy rồi, một vài câu của bạn, mỗi năm gặp vài lần… thì làm sao xô đổ được bức tường kia? Kể cả mấy chiến dịch hoành tráng mình đề cập bên trên thì cũng còn lâu, còn lâu! Nào nào, đây là Việt Nam, không phải là “xứ cờ hoa”. Văn hóa có nhiều lớp (culture layers), mọi thay đổi bạn thấy chỉ là bề mặt, còn cái lõi bên trong phải rất lâu, tính bằng thế hệ thì mới thay đổi được.

Sao nghe tuyệt vọng vậy, mình không làm gì được sao? À, có chứ, bạn thay đổi chính mình, tiếp nhận cái mới. Chờ vài thập niên trôi qua, thế hệ cũ suy tàn, bạn chính là thế hệ thay thế. Bấy giờ là một xã hội khác, con cái bạn sẽ thừa hưởng những thứ tốt đẹp hơn (và lúc ấy tụi nó sẽ lại muốn thay đổi bạn!).

Câu chuyện đường dài là vậy, còn ngắn hạn, mình thường chọn hoặc là trả lời một cách hài hước và khéo léo lái câu chuyện đi hướng khác (giữ hòa khí gia đình) hoặc là không tham gia và câu chuyện ngay từ đầu (kiếm chuyện rút lui, để ba mẹ tiếp).

Qua nhiều năm đúc rút từ thực tế, mình cũng để bụng một số kịch bản cho các câu hỏi quen thuộc.

Đi làm lương bao nhiêu?

Mình sẽ không trả lời lương đủ sống, vì thường kiểu gì cũng sẽ bị truy hỏi tiếp, mà vòng vo mãi các bác cũng không vui. Nên mình sẽ kể khổ, rào luôn câu hỏi tiếp theo, nhờ vả các kiểu cho các bác hoảng sợ và rơi vào câu chuyện mình sắp đặt.

Ví dụ: Ôi con đi làm có mười mấy triệu à, mà ở Saigon cái gì cũng đắt đỏ lắm. Không có tiền, ở nhà thuê, nên đâu có dám cưới vợ gì đâu!

Đến đây thì thường các bác sẽ đi theo 2 hướng:

  • Bình luận về cuộc sống trong Saigon, vậy là mình có cơ hội tâm sự tiếp, kể chuyện này chuyện kia, hỏi han đời sống các bác… nên các bác cũng không hỏi gì mấy câu tào lao nữa.
  • Chuyển mũi dùi sang phía ba mẹ mình kiểu: sao mày không xin ba mẹ mày đi, ba mẹ mày có của mà ém đó… đoạn này thì mình cũng chuẩn bị sẵn rồi, tiếp tục kể khổ và đẩy các bác về hướng thứ nhất.

Đây có thể xem là tâm lý chung, mọi người hay thích săm soi chuyện thành công của ai đó, và cũng đồng thời cảm thông cho sự thất bại, cho rằng các câu chuyện thất bại rất thực tế. Do vậy, khi tỏ ra khiêm tốn, kể khổ này nọ thì không ai săm soi mình nữa, hay thậm chí là mình còn nhận thêm được sự hỗ trợ. Nhiều khi cũng vui khi các cô bác tỏ ra quan tâm và muốn giúp đỡ mình, dù thực tình mình cảm thấy mình tự lo được.

Cuối cùng quan điểm của mình trong chuyện này là, cứ thoải mái, khiêm nhường, tâm sự và khéo léo lèo lái, kể chuyện. Ba ngày Tết, Bảy ngày Xuân, họ hàng gặp nhau hãy nên vui vẻ, kể chuyện và thăm hỏi cuộc sống. Vậy thôi.

10, Tháng 03, 2020 Life Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...