Có lần một người anh bảo mình, đại khái: Nếu tao là mày, tao sẽ đi máy bay về quê ăn Tết cho khỏe, ấy là dùng tiền để mua thời gian. Mình thì cũng tiếc tiền, sống tiết kiệm quen. Ngoài ra, trong suốt 18 tiếng ngồi trên đoàn tàu cũ kỹ và ồn ào ấy, mình có dịp suy nghĩ về nhiều điều. Đặc biệt là ngắm nhìn sự thay đổi của con người, cảnh vật và văn hóa mỗi lần tàu dừng ở một nhà ga.

Chuyến tàu SE22 vừa đến Ga Sài Gòn, chuẩn bị quay đầu về Quảng Ngãi
Chuyến tàu SE22 vừa đến Ga Sài Gòn, chuẩn bị quay đầu về Quảng Ngãi

Những dịp cuối năm, bề bộn với đủ thứ công việc, nên gần như mình chẳng viết gì từ tháng 11 năm ngoái đến giờ. Mình vốn nhiều chuyện lắm, muốn là khối chuyện để viết, chỉ là hơi lười thôi. Nhân dịp về quê, và cũng quá rảnh trong suốt hành trình, lần này mình sẽ kể về những chuyện trên tàu, mà năm nào mình cũng gặp phải, những điều khiến mình thích đi tàu, và cũng là những điều mình ghét ở cái ngành đường sắt này.

Dọc miền văn hoá

Nếu như đi xe, thường khách sẽ chung quê, chung điểm đón / trả hay đi máy bay thì có quá ít thời gian để cảm nhận sự khác biệt và thay đổi văn hoá. Còn trên một đoàn tàu mười mấy toa, mấy chục vùng quê, hàng trăm khách, qua mỗi tỉnh lại dừng ở vài nhà ga. Vậy nên có bao nhiêu tinh hoa hay những thứ văn hoá xấu xí đều dồn tụ vào đây.

Một góc sân Ga Sài Gòn trước giờ lên tàu.
Một góc sân Ga Sài Gòn trước giờ lên tàu.

Mình có thói quen ngồi cạnh cửa sổ, nhìn cảnh vật và con người chạy lùi về sau. Mỗi lần tàu dừng tránh tàu khác hay dừng ga, mình đều chú ý quan sát. Có khi là những người bán hàng rong, nhảy tàu từ ga này đến ga khác, bán vài món đặc sản vùng miền, đồ ăn vặt… Có khi là những người công nhân xí nghiệp đầu máy xe lửa, chầm chậm đẩy những xe hàng, hay châm nhiên liệu, bảo dưỡng tàu… Có khi là những khách lên, xuống tàu, mua đồ ăn, tìm chỗ ngồi, xếp hành lý…

Có khi là những người đang dừng trước barrier trên những trục đường dân sinh băng qua đường sắt. Có khi là những nhà ga cũ kỹ, vài nhân viên gác tóc đã phơi sương, hay những nhà ga hiện đại, nhộn nhịp người người… Có khi là những đoàn tàu ngược chiều, những ô cửa sáng chạy qua vun vút.

Mình chỉ nhìn, thỉnh thoảng cũng có vài điều đáng suy ngẫm. Chẳng mấy khi mà có thời gian và kiên nhẫn để ngồi xem cái sự đời trôi qua trước mặt.

Dọc chốn hoang sơ

Tàu thì không đi qua dốc hay qua đèo được như xe, đã vậy còn thường phải tránh các khu dân cư, nên thường sẽ xuyên qua những miền heo hút, cây cỏ lác đác, vách núi sát biển, những nơi thậm chí không có sóng điện thoại.

Khung cửa sổ nhìn ra cánh đồng cỏ và bãi biển giữa buổi chiều tà.
Khung cửa sổ nhìn ra cánh đồng cỏ và bãi biển giữa buổi chiều tà.

Từ Sài Gòn về Quảng Ngãi, sẽ thấy đủ loại thảm thực vật, từ rừng lá khô xơ xác, những quả đồi trọc, cây cỏ cheo leo trên vách đá… đến những cánh đồng gió lộng. Đôi khi đêm qua những vườn thanh long chong đèn sáng rực, hay nhìn ra biển đêm với vài đốm sáng li ti từ thuyền cá, hay đầm tôm.

Những lúc vậy, mình chợt cảm thấy đoàn tàu như một luồng sáng thị thành chạy qua những miền u tối. Người Pháp đúng là đã khai phá văn minh khi xây nên những công trình mà đến nay người mình còn kế thừa như tuyến đường sắt này.

Những người bán rong

Từ nhỏ mình vẫn hay nghe mẹ kể về những chuyến nhảy tàu buôn hàng. Hồi trước mở cửa (1986), việc giao thương còn rất hạn chế. Mẹ mình thường theo bà ngoại đi buôn, nhảy chui suốt những chuyến tàu chợ. Ngày nay, chả ai còn biết đến những chuyện này, nhưng cái nghề thì vẫn còn ấy như một tàn tích chế độ cũ.

Hàng ngày, những người này vẫn thường nhảy lên những chuyến tàu, bán hàng cho lữ khách từ ga này đến ga khác, rồi trở về. Họ chủ yếu bán đồ ăn vặt, đặc sản vùng miền, ví dụ như qua Ninh Thuận, sẽ gặp những chị bán nho, qua Nha Trang gặp các cô bán cá khô lá dứa… Cái nghề này sao mà thấy phiêu bạt và bấp bênh quá.

Thỉnh thoảng vẫn có người kì kèo hoặc mua cho vui. Có lần mình mua cái bánh mì ở Ga Nha Trang, ăn được mấy miếng mà cả đêm đau bụng. Vì hàng bán một lần, khách cũng chỉ mua một lần, nên những người bán này có lẽ cũng không quan tâm đến chất lượng gì đâu. Khi xưa thậm chí còn có truyền thuyết Gà Tám Ký, kể về chuyện những kẻ bán gà lừa đảo ở Ga Tam Kỳ (Quảng Nam). Giờ thì hết rồi, đi Quảng Nam đừng ai nói Gà Tám Ký, khéo bị người ta đánh cho quên lối về.

Tổ hợp văn hoá lùn

Dù là đi máy bay mình cũng từng gặp những người Việt với dòng máu tiểu nông sống giữa thời hiện đại. Đúng là văn hoá lùn của dân mình đi đâu cũng có, tuy vậy, trên tàu là thể hiện rõ ràng nhất, vì đặc trưng của tàu như mình đã nói ở trên.

Các ca thường gặp sẽ là:

  • Hành lý lỉnh kỉnh, về quê có 3 bữa Tết mà như mang cả cái nhà về vậy. Một người mà mang quá trời hàng, xếp hết chỗ của người khác, để đầy toa chắn lối đi và chỗ gác chân của mọi người.
  • Ăn nói lỗ mãng, nói như rống giữa toa tàu, để chuông điện thoại, bật nhạc ầm ĩ.
  • Đạp ghế, gác chân, chọt lên ghế người khác. Những ca này thường là do mang quá nhiều đồ, không có chỗ gác chân.
  • Ăn uống mất vệ sinh, bốc mùi và xả rác…
  • Để con cái trẻ nhỏ quấy khóc, la ré ồn ào… Thân làm cha mẹ, mà không dạy được con cách cư xử nơi công cộng và tôn trọng không gian chung.
  • Trải chiếu nằm ngủ giữa lối đi, làm phiền hành khách lên xuống, đi vệ sinh.
Mang hành lý lỉnh kỉnh, chiếm hết chỗ người khác. Ngủ thì chọt chân lên đầu người trên.
Mang hành lý lỉnh kỉnh, chiếm hết chỗ trong toa. Ngủ thì chọt cả chân lên đầu người trên.

Trong hình là cái chân thối của quý bà ghế sau mình, mặc dù mình đã rất lịch sự, nhỏ nhẹ nhắc nhở nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Lần cuối cùng mình nhắc, quý bà này đã gắt gỏng và chửi mình là “thanh niên nhỏ mọn”, “mày đáng tuổi con tao”… ừ, ok. Thích cãi, thích chửi với Minh là gặp đúng người rồi đấy. Bùm! Đúng là quý bà máu M.


Khi nghe mình phàn nàn, bạn mình còn nói vui rằng: mày đi tàu là mày lạc loài rồi đó, không phải họ lạc loài đâu.

Một số người bạn khác của mình thì cho rằng, nên mặc kệ vì dân mình vậy rồi, hãy chấp nhận đi. Bản thân mình không nghĩ vậy, có đấu tranh mới có thay đổi tiến bộ. Cứ chấp nhận hay im lặng cho qua thì đất nước này mãi chỉ là những kẻ lùn, những kẻ thuộc “thế giới thứ 3” lạc hậu, yếu kém.

Về nhà

Sau vụ tàu trật bánh ở Bình Thuận khiến lịch trình Tết mấy ngày bị chậm, mình cứ nơm nớp sợ trễ tàu. May mắn quá, chuyến SE22 mình đi vừa đến Ga Đức Phổ đúng giờ. 4 giờ sáng, sợ phiền ba mẹ chưa dậy, mình đành kéo vali vào ga ngủ một giấc rồi gọi ba ra đón sau. Vừa đến nhà, mẹ la lên, Tết đã về rồi.

Chiều cuối năm, nhà mình làm mâm cơm cúng nhỏ, mời vài người bà con lối xóm.
Ngày 29 Tết, nhà mình dọn dẹp nhẹ và chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên, cũng chỉ 2 bàn nhỏ nhỏ, mời một vài người bà con, hàng xóm thân thiết.

Chả biết Tết này có vui không, còn mình thì chỉ chờ vài ngày nghỉ cho thư thả, có thời gian chuẩn bị và lên kế hoạch cho năm sau. Trong năm nhiều khi tất bật, ít ngồi lại nghĩ nghiêm túc xem mình nên làm gì. Và tạm kết cho bài này bằng lời chúc:

Chúc mừng năm mới!

01, Tháng 02, 2019 Life Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...