Một bạn trẻ chợt hỏi mình về định hướng ở cuối buổi phỏng vấn sau khi hai anh em, vừa phỏng vấn, vừa tám linh tinh gần cả tiếng. Ôi đó là một câu chuyện dài lắm, mà bạn tiếp theo ngoài phòng khách có lẽ sốt ruột không muốn mình kể. Vậy là hôm sau, mình soạn một chiếc email dài ơi là dài để kể cho bạn trẻ kia nghe, câu chuyện của mình.

Dạo gần đây, sau thời gian chịu đựng sự trống vắng do một bạn nhỏ trong Team bất ngờ bị hốt đi nghĩa vụ quân sự, rồi ngay sau đó là giai đoạn đóng băng COVID-19, mình cuối cùng cũng quay lại với việc tìm người phụ mình một tay.

Công tác tuyển dụng vốn là một chuyện khá đau khổ với mình, nhưng trong những khía cạnh tích cực mà nói thì nó cũng cho mình cơ hội được trao đổi và hiểu hơn về con người, hay một lớp thế hệ các bạn trẻ kế cận mình. Các bạn là những 9x đời cuối, tên khoa học là Gen Z, có rất nhiều khác biệt với bọn mình hồi xưa. Các bạn có quá nhiều sự lựa chọn, chính vì vậy, vài bạn dường như vẫn loai hoai trong mớ bòng bong ấy.

Và nhân tiện, khi có một bạn trẻ chợt hỏi mình về định hướng ở cuối buổi phỏng vấn sau khi hai anh em, vừa phỏng vấn, vừa tám linh tinh gần cả tiếng. Ôi đó là một câu chuyện dài lắm, mà bạn tiếp theo ngoài phòng khách có lẽ sốt ruột không muốn mình kể. Vậy là hôm sau, mình soạn một chiếc email dài ơi là dài để kể cho bạn trẻ kia nghe, câu chuyện của mình.

Vì nó dài quá, mà cũng là một điều gì đó hữu ích do mình suy ngẫm, nên mình đăng lại ở đây. Trong trường hợp ai đó cần đọc... cho vui.


Chặng đường làm Digital có lẽ là một hành trình khá dài và gian truân. Trước kia anh cũng chẳng có ý định làm Digital như giờ, nhưng may mắn với một số nền tảng kiến thức anh có sẵn về lập trình nên anh dễ dàng bắt nhịp và học hỏi dần lên. Câu chuyện của anh thì em có thể lên website cá nhân của anh đọc thêm. Còn về câu chuyện để phát triển trong ngành này cần những gì, với thời gian bao lâu thì anh có một số chia sẻ như sau.

Về mục tiêu

Lúc bắt đầu thật ra anh cũng chẳng hình dung mục tiêu rõ ràng như bây giờ, nhưng anh có hình dung về thời gian 3-5 năm sau đó anh cần vươn lên được vị trí Quản lý. Đó là động cơ mạnh mẽ đầu tiên để bắt đầu. Với em và các bạn nhỏ có hỏi anh, thực ra anh cũng mạnh dạng đề xuất các bạn đặt mục tiêu như vậy và cố hết sức phấn đấu theo đuổi.

Về kiến thức

Trước khi làm Digital thì thật ra anh đã vọc nó từ rất lâu rồi, anh tự làm website, viết code, design với Photoshop… từ hồi cấp 3 rồi. Mấy cái về copywriting, marketing, data analytics, social, email… anh tự học thêm ở trường đại học, qua các hoạt động sinh viên. Lúc mới ra trường thì kiến thức nói chung cũng có phần lộn xộn, mỗi cái biết mỗi ít, cơ bản là biết nhưng không hiểu tụi nó kết hợp ra sao, bức tranh lớn là gì, thực tế áp dụng thế nào.

Đối với bạn trẻ chưa may mắn tiếp cận sớm như anh, thì anh nghĩ nên bắt đầu tiếp cận kiến thức theo hệ thống trước. Học khóa Digital Foundation của anh Thuận Ngô chẳng hạn. Sau đó tự thực hành cho đủ hết các platform của Digital, làm web thử, làm thử mấy cái email HTML, dùng thử vài tool gửi email như Mailchimp, cài thử Google Analytics lên website, vô đọc hiểu dữ liệu, nghiên cứu mấy tính năng hay ho của nó, thử làm banner, thử chạy ads trên Facebook, Google, Cốc Cốc… Còn những cái như social, copywriting chắc không vấn đề với em.

Ngoài các nhóm kiến thức chuyên môn, em cũng cần học thêm nhóm kiến thức về làm việc chuyên nghiệp như: quản lý dự án, tối ưu hiệu suất cá nhân, quản lý thời gian… mấy cái này chắc nghe nhiều rồi nhưng anh thấy ít bạn chịu học, và cũng ít bạn biết học ở đâu cho đúng. Mặc dù các khóa học này ở nước ngoài rất phổ biến (Brain Tracy, John Maxwell, Jack Canfield…) nhưng không hiểu sao ở Việt Nam, mọi người… ít chịu học lắm. Hoặc có mấy ông sếp hay đi học. Nhưng với các bạn trẻ, học càng sớm càng tốt.

Về tư duy

Với Digital, anh thấy có những tư duy này rất quan trọng giúp thành công:

  • Logic: để phân tích dữ liệu, để hiểu về code, về máy tính.
  • Tò mò: thấy công nghệ hay, web này có tính năng lạ… đó là nền tảng để mình bắt đầu đặt câu hỏi là sao họ làm được, họ làm vậy để làm gì, mình có thể sao chép họ như thế nào?
  • Tư duy mở: sẵn sàng chấp nhận, và tìm kiếm cái mới, công nghệ mới, ứng dụng mới, nói chung cái gì mới là nhào vô, thất bại thì thôi.
  • Tổng hợp: phân tích và dự đoán xu hướng, dữ liệu, thị trường.
  • Hightech: cái này thì khỏi nói rồi, làm Digital mà lowtech thì không được. Ví dụ như anh, tuy không trùm như IT nhưng cũng tự biết sửa laptop, Macbook, cài Windows, macOS dạo… À còn Office thì cũng phải rất rành, sau này sẽ đụng rất nhiều, đặc biệt là Excel.

Về môi trường

Để thành công thì cần có môi trường phù hợp để phát triển. Môi trường mà em được “cho tiền” để tự mò hết đống platform bên trên. Môi trường mà có người chỉ em, giải ngố cho em, hoặc đơn giản chỉ là giải đáp các vấn đề của em khi em gặp khó. Môi trường có thể cho em nguồn kiến thức để em học, trau dồi và phát triển (vấn đề này quan trọng, vì “có tiền” để vọc, nhưng không biết cách vọc, vọc không thông minh, vọc không định hướng, không chiến lược… thì nguy lắm, hoặc là đi chậm hơn người khác).

Sự tự học

Cái này chắc anh tự tin nhất từ đó giờ. Những anh chị anh gặp cũng đồng ý rằng điều này đặc biệt quan trọng. Khả năng phát triển của em như thế nào phụ thuộc vào khả năng tự học của em. Cái này tích lũy tạo nên kinh nghiệm cá nhân, nội lực, sự thông thái… Sau này khi lên các cấp dẫn dắt đội nhóm, nó sẽ hữu dụng giúp em có thể training cho các bạn trong team em và xây một team đủ mạnh để chạy.

Về sự thăng tiến

Theo thời gian, khi em đã rành hết các platform, có khả năng thực thi tốt, sếp giao gì cũng chiến tốt thì có thể xem em đã sắp lên được nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Tuy vậy, để lên cao hơn, dĩ nhiên, em cần nhiều kỹ năng hơn: quản lý team, phát triển con người, training cho team, quản lý dự án, giao thiệp với đối tác bên ngoài, training cho đối tác, chịu trách nhiệm về tăng trưởng, đề ra các hoạt động để đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu, giải quyết vấn đề, các rủi ro gặp phải…

Ở giai đoạn sớm, thì giờ thật ra em cứ nên tập trung vào chuyên môn Digital trước. Với anh, hay các anh chị gạo cội, cũng thường đánh giá cao những bạn nói được, làm giỏi, nội lực bản thân tốt.

Vài điều chia sẻ, hy vọng hữu ích với em.

Em có thể lên BRAND Camp tìm đọc tài liệu Hành trình 10 năm của một full stack digital marketer của anh Tuấn A1 Digihub để đọc thêm. Anh đọc rồi, thấy nhiều câu chuyện thú vị và chia sẻ chi tiết hơn. Chứ anh viết email như này thì cũng không đủ dài để kể hết chuyện, và em nghe nhiều người chia sẻ hơn để có nhiều chiều quan điểm và kinh nghiệm hơn ha.


Đấy, một buổi chiều muộn, thứ 6 cuối tuần, mình tranh thủ nán lại văn phòng gõ email cộp cộp. Bản thân mình thực ra cũng không có nhiều thời gian lắm, nhưng với một người xin lời khuyên chân thành, dĩ nhiên, mình luôn đáp lại bằng cái tâm xứng đáng.

Giúp được ai thì giúp, giúp những người cần mình.

16, Tháng 05, 2020 Work Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...