Năm nay mình đã chạy được khoảng 350KM, có nghĩa là mỗi tuần trung bình mình chạy được 7KM. Cuối cùng mình chốt lại 2019 bằng giải chạy Techcombank International Marathon cự ly 21KM. Giải này thực ra cũng chẳng có gì ghê gớm, chỉ là đối với mình nó có nhiều ý nghĩa như đây là giải chạy đầu tiên mình tham gia, và đặc biệt lại đúng sinh nhật mình.

Chuyện mình chạy

Mình bắt đầu hình thành khái niệm về tập chạy từ 2016, khi mình có niềm đam mê trekking khám phá núi rừng. Để đủ sức băng qua cung đường Tà Năng Phan Dũng, mình đã chuẩn bị thể lực trước khoảng một tháng, với các bài tập từ đi, chạy, leo. Sau chuyến đi ấy, mình vẫn giữ thói quen đến phòng gym đều đặn 246, lâu lâu thì đi bơi thêm cuối tuần. Nói chung là cũng khá lành mạnh.

Tuy vậy, mình vẫn cảm thấy việc mua thẻ phòng tập có phần hơi phí phạm, vì mình cũng chẳng tập tành là bao. Nên sau này, khi Alex – người anh phong trào rủ mình tập chạy Marathon này nọ thì mình cũng bắt đầu lung lay ý định về gym và chuyển sang có thói quen chạy thường xuyên.

Không giống như bơi phải ra hồ, gym phải đến phòng tập, chạy có vẻ đơn giản hơn. Mình chỉ cần mang giày vào rồi xuống nhà với một quãng đường nhựa, vắng xe, thoáng rộng là có thể hì hục chạy cả tiếng đồng hồ. Hồi đó mình còn ở cạnh một khu cư xá cũ, gần một học viện với khuông viên, đường sá và sân tập rất chất lượng. Sau này mình chuyển sang một chỗ đông đúc và chật chội hơn thì mình lười chạy hẳn ra.

Lắng nghe bản thân, hiểu về những giới hạn

Mình khá chắc chắn rằng không có môn nào dạy mình điều này một cách rõ ràng hơn là chạy bộ. Mặc dù, ai cũng biết rằng, cơ thể con người có giới hạn, nhưng khi đặt trong những hoàn cảnh nhất định, nhiều người quên mất điều đó. Nhiều người “cố quá”, làm việc quá sức, ganh đua quá sức, bỏ qua những báo động của cơ thể. Để rồi một ngày, khi tai nạn đột ngột kéo đến, họ mới sáng ra, hoặc không còn khả năng để nhận thức nữa. Đau lòng lắm.

Cứ mỗi bước chạy về phía trước, mình lắng nghe tiếng chân dậm trên mặt đất, cảm nhận các bó cơ đang rệu đi một chút. Nếu so sánh đời người như những đường chạy Marathon, mình hiểu rằng, ở giai đoạn đầu sung sức, mình có thể chạy rất nhanh, bám theo những tay chạy chuyên nghiệp. Thế nhưng quãng đường thực sự dài và nhiều biến chuyển, sẽ sớm thôi, cơ thể sẽ quỵ ngã khi trí não cố ép nó liên tục vượt qua giới hạn vật lý của nó. Đó là lúc bạn nhận ra, bạn chiến thắng tức thời, nhưng bạn thua trên cả chặng. Bạn không thể về đích vì chấn thương, hoặc về đích trong sự kiệt quệ. Rồi, hãy hình dung lại, đích đến của bạn trong cuộc đời này là gì?

Như lời răng Nhà Giả Kim cho Santiago, vũ trụ luôn kết nối với bạn theo ngôn ngữ dấu hiệu, chúng cố cảnh báo bạn về những rủi ro, hay dẫn đường bạn đến những kho tàng. Quan trọng là, bạn cần tích cực lắng nghe chúng, bằng mọi giác quan. Nếu bị bỏ qua, những tiếng nói ấy, chúng sẽ vĩnh viễn không trở lại nữa.

Chạy bằng ý chí

Mình chưa bao giờ có cơ hội hỏi những vận động viên chuyên nghiệp về điều này, nhưng mình nghĩ, hầu hết mọi người đều không thật sự chạy bằng đôi chân của họ vào những KM cuối cùng của đường đua. Ý mình là, điều duy nhất đẩy cả cơ thể mệt mỏi rã rời của họ về đích chính là sức mạnh ý chí.

Nếu nói đơn giản như vậy chắc cũng hơi khó để mọi người hiểu. Nên mình sẽ kể về những vận động viên mình đã tận mắt nhìn thấy. Giữa cái nắng đổ lửa của Saigon, khi hầu hết mọi người đã về đích, mình đang ngồi trên taxi trở về nhà, thì trên KM thứ 32, vẫn còn cơ số người đi bộ một cách khó nhọc lên cầu Thủ Thiêm, khi các trạm tiếp nước và dinh dưỡng gần như đã cạn kiệt. Trong số đó, vài người hẳn đã bị chấn thương, chuột rút hết cả 2 chân. Cứ mỗi bước đi trong đau đớn, cơ thể họ liên tục thốt lên, tại sao phải hành hạ bản thân như vậy? Và họ cứ bước như vậy thêm 2 tiếng đồng hồ nữa, trong một cuộc chiến mà ý chí là chiến binh đơn độc kéo cả con tàu gần như đã sụp đổ.

Trong một lần nói vui với bạn bè, mình bảo rằng, kiểu gì tao cũng sẽ đi bộ về đích, hoặc thậm chí là bò về, vì luật chạy hoàn toàn cho phép chạy, đi bộ hay thậm chí là bò lết. Thực tế, chúng ta hẳn cũng đã nghe nhiều về những người đã bò về đích theo đúng nghĩa đen. Mình thực sự khâm phục nghị lực và sự cố gắng của họ.

Không ganh đua, so sánh - mỗi người có mục tiêu riêng

Thỉnh thoảng khi chạy bộ trong công viên, mình gặp vài thanh niên kiểu cố đua với mình hay chạy vượt lên vun vút cho mình hít khói. Thường thì chỉ có 2 kiểu người: professional thực sự, hoặc là newbie. Nhưng mình gặp newbie nhiều hơn. Các thanh niên thích thể hiện này thì tầm trăm mét là đi bộ, rồi mình một cách chậm rãi vượt lên với một ít mỉa mai. Các bạn mới chạy thường "sung", cũng như chưa hiểu bản chất của môn thể thao này lắm.

Trong một giải Marathon hơn 10,000 người, mình chưa bao giờ nghĩ mình định đua với ai hay vượt lên bao nhiêu người. Việc ấy suy cho cùng không phải mục tiêu của mình, cũng như tại sao phải cố phá sức để vượt qua một đối thủ mà thậm chí chẳng biết họ là ai, bề dày kinh nghiệm hay nền tảng của họ như thế nào? Rồi việc vượt qua họ để làm gì, mình cũng có về nhất, về nhì hay lợi lộc gì đâu? Vượt lên người thứ sáu ngàn hay người thứ năm ngàn thì cũng thế thôi.

Nói trong một giải chạy nhỏ mọi người sẽ dễ thấy rằng chuyện đi so sánh bản thân ta hay đi ganh đua với người khác là những điều không mấy ý nghĩa. Nhưng khi nói rộng ra cuộc đời này, người ta lại dễ đi so sánh con cái, vợ chồng, cha mẹ hay thậm chí so sánh chính họ với những cá thể khác. Để rồi lại có những suy nghĩ, đánh giá và hành động tiêu cực.

Chúng ta vốn sinh ra trong những hệ quy chiếu khác nhau. Mà phép so sánh lại không thể sử dụng khi không cùng hệ quy chiếu. Vậy nên, hãy suy nghĩ về cuộc đời này trong hệ quy chiếu của mình, điều gì làm mình hạnh phúc? Hãy tập trung vươn tới nó. Thế thôi.

Và cũng đừng nên đánh giá, bình phẩm về việc làm hay hành động của người khác. Bạn chả bao giờ hiểu họ đâu, trừ khi bạn thực sự sống trong cơ thể ấy, màu da ấy, mảnh đất ấy, hoàn cảnh ấy. Nếu hệ quy chiếu của họ có những tài nguyên như hệ quy chiếu của bạn thì có lẽ họ đã khác, khác lắm rồi.

Lời khuyên

Mình biết là chẳng ai thích "được dạy đời" nên hiếm khi mình cho ai lời khuyên trừ khi người đó thật lòng quan tâm và hỏi mình. Việc chạy bộ cũng vậy, tùy vào thể trạng, không phải ai cũng chạy được. Nên nếu bạn cũng có niềm vui thú với việc chạy bộ hoặc các hoạt động thể thao thì mình rất vui được chia sẻ. Bạn có thể theo dõi mình trên Strava dưới đây.

Còn nếu không, cũng đừng ngại, mỗi người có một sở thích và mục tiêu riêng. Hãy chỉ chạy khi bạn thực sự muốn, vì bạn biết rồi đấy, người ta chạy bằng ý chí, chứ không hẳn chỉ bằng đôi chân.

23, Tháng 12, 2019 Life Share
Về tác giả
Lê Tịnh Minh
Lê Tịnh Minh

Mình đang làm quản lý đội ngũ marketing cho một công ty về truyền thông và giáo dục trực tuyến. Mình là một người hướng nội, thích leo núi, bơi lội, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá...